Ngày 07/10/2023 vừa qua, Hamas đã khởi xướng một trong những cuộc tấn công quy mô lớn nhất vào Israel, gây thiệt mạng hàng trăm người và bắt giữ nhiều binh sĩ đối phương. Vậy Hamas là ai và vì sao họ lại tấn công Israel?
Hamas là ai?
Hamas là một tổ chức chính trị, tên gọi là viết tắt của cụm từ tiếng Ả Rập có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Nhóm này kiểm soát chính trị tại Dải Gaza, một vùng lãnh thổ rộng khoảng 365 km², nơi sinh sống của hơn hai triệu người nhưng bị Israel phong tỏa.
Hamas đã nắm quyền ở Dải Gaza từ năm 2007 sau một cuộc chiến ngắn với lực lượng Fatah trung thành với Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Thái Văn Đường là ai? “Nhà hoạt động” hay là kẻ lợi dụng?
Oppenheimer là ai? Những di sản để lại gây tranh cãi
Đôi nét về phong trào Hamas
Hamas là viết tắt tiếng Ả Rập của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Ḥarakah al-Muqāwamah al-ʾIslāmiyyah). Đây là một tổ chức chính trị dân tộc chủ nghĩa của người Palestine theo trào lưu chính thống Hồi giáo dòng Sunni.
Hamas được thành lập dựa trên ba trụ cột: tôn giáo, từ thiện và cuộc chiến chống lại Israel. Tổ chức này ra đời vào năm 1987 bởi Sheik Ahmed Yassin, một người hoạt động trong Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự kiểm soát quân sự của Israel tại Bờ Tây và Dải Gaza.
Từ đó đến nay, Hamas đã thực hiện nhiều cuộc tấn công liều chết nhằm vào thường dân Israel cũng như bắt cóc và giết hại binh lính Israel. Mỹ và nhiều quốc gia khác coi Hamas là một nhóm khủng bố.
Không giống như Tổ chức Giải phóng Palestine (Fatah, trước đây được biết đến với cái tên PLO với cố Chủ tịch nổi tiếng Yasser Arafat), Hamas không công nhận quyền tồn tại của Israel như một nhà nước và đã kêu gọi trục xuất tất cả người Do Thái khỏi khu vực. Tổ chức này ủng hộ quan điểm không khoan nhượng trong việc thành lập một nhà nước Palestine dựa trên chủ nghĩa Hồi giáo chính thống trải dài từ phía đông Địa Trung Hải đến sông Jordan.
Trong nhiều năm, Hamas đã có mối quan hệ gây tranh cãi với đảng đối thủ chính trị tại Palestine là Fatah, do Mahmoud Abbas lãnh đạo. Một năm sau khi Israel rút quân khỏi Gaza vào năm 2005, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine, đánh bại Fatah.
Năm 2007, sau cuộc giao tranh phe phái ở Gaza, Hamas đã lật đổ Chính quyền Palestine do Fatah thống trị và giành quyền kiểm soát Dải Gaza, nơi sinh sống của khoảng hơn 2 triệu người.
Vai trò của Hamas ở vùng lãnh thổ Palestine
Trong những năm đầu thành lập, Hamas được người Palestine đón nhận rộng rãi như là nhóm sẵn sàng chống lại Israel nhất, và được một số người coi là ít tham nhũng hơn và được tổ chức tốt hơn Chính quyền Palestine.
Nhưng sự bất mãn ngày càng tăng khi cuộc sống của người Palestine trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh xung đột và nhiều năm bị Israel và Ai Cập phong tỏa, đồng thời một số người cảm thấy các cuộc tấn công của nhóm này cũng đã gây thiệt hại cho người Palestine.
Hamas đã sử dụng mạng lưới đường hầm dưới biên giới Ai Cập-Gaza để buôn lậu vũ khí và vật tư mà nhóm này đã sử dụng để chế tạo hàng nghìn tên lửa và một số lượng nhỏ máy bay không người lái bắn vào Israel trong những năm qua.
Sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007, nhóm này đã tổ chức 4 cuộc chiến tranh chống lại Israel. Về phần mình, Tel-Aviv tuyên bố Hamas là một thực thể thù địch, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt bao gồm cắt điện, hạn chế nhập khẩu và đóng cửa biên giới đối với Dải Gaza.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Hamas vào Israel vẫn tiếp tục, kéo theo các cuộc tấn công đáp trả dữ dội của Israel vào Dải Gaza, gây ra thiệt hại lớn cả về người và của cho đôi bên.
Đồng minh và các lực lượng ủng hộ Hamas
Trong Dải Gaza, Hamas và tổ chức Hồi giáo Jihad (Thánh chiến Hồi giáo), nhóm chiến binh lớn thứ hai trong khu vực, thường xuyên đoàn kết chống lại Israel. Jihad Hồi giáo thường hoạt động độc lập với Hamas và tập trung chủ yếu vào đối đầu quân sự.
Trong một số trường hợp, Hamas đã gây áp lực lên Jihad để ngăn chặn các cuộc tấn công hoặc trả đũa chống lại Israel hoặc đứng bên lề khi nhóm này đụng độ với Israel. Hamas liên minh với các nước Trung Đông như Syria và các tổ chức như nhóm Hezbollah ở Lebanon phản đối chính sách của Mỹ và Israel. Một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất là Iran.
Cả Mỹ và Israel đều cáo buộc rằng trong nhiều thập kỷ, Iran đã cung cấp vũ khí, công nghệ và đào tạo cho Hamas để xây dựng kho tên lửa tiên tiến của riêng mình có thể vươn sâu vào lãnh thổ Israel.
Ngay sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel hôm thứ Bảy vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Kanani đã có những tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ với Hamas.
Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời ông Nasser Kanani cho biết: “Hoạt động này… là phong trào tự phát của các nhóm kháng chiến và những người dân bị áp bức ở Palestine…”. Trong khi đó, người phát ngôn của Hamas, Ghazi Hamad, cho biết nhóm chiến binh này đã nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh Iran và nhiều lực lượng khác.